
Thị trường ô tô 2021 vẫn còn đó nỗi ám ảnh mang tên Covid. Các chuyên gia tin tưởng khả năng khống chế dịch của Chính phủ nhưng dè dặt khi nói về sự tăng trưởng doanh số.
Xe “nội” không còn chiếm ưu thế
Nhìn lại năm 2020, không thể phủ nhận tác dụng to lớn của chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với thị trường ô tô Việt trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm do dịch bệnh. Dòng xe lắp ráp trong nước vì thế mà có sự tăng trưởng đáng kể so với xe nhập khẩu, nhất là hai tháng cuối năm.
Mục đích giảm 50% lệ phí trước bạ là hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Thuế trước bạ giảm, vô hình tạo lợi thế cạnh tranh cho xe lắp ráp trong nước (CKD). Hệ quả là doanh số xe hơi nhập khẩu (CBU) sụt giảm nghiêm trọng.
Thị trường ô tô Việt 2021 gian nan đường lên… “đỉnh”.
Các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu buộc phải “cắt máu”, chấp nhận giảm giá tương ứng để cạnh tranh. Có mẫu xe giảm sâu tới 100% phí trước bạ. Doanh số ô tô nửa cuối năm 2020 vì thế mà dần phục hồi.
Theo các chuyên gia, năm 2021 – khi chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ hết hiệu lực, ô tô lắp ráp không còn chiếm ưu thế. Cuộc chiến giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu quay về trạng thái cũ.
Ông Nguyễn Trung Hiếu – Trưởng tiểu ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chia sẻ: Ô tô lắp ráp trong nước hiện có giá cao hơn ô tô nhập bởi chi phí sản xuất trong nước cao hơn 20% so với các thị trường khác. Trước đây, khi xe nhập khẩu từ ASEAN bị đánh thuế 30% thì xe lắp ráp rẻ hơn. Kể từ khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm về 0% thì xe nhập khẩu lại rẻ hơn xe lắp ráp.
Chưa kể, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, cắt giảm thuế ô tô nhập khẩu từ EU giảm 7% kể từ 2021 và tiếp tục giảm 0% sau 10 năm. Đồng nghĩa, người tiêu dùng trong nước xe được mua xe nhập khẩu từ châu Âu với giá thấp hơn.
Ngoài ra, các hãng xe nhập khẩu không có đại lý phân phối chính thức, độc quyền sẽ tăng cường hiện diện tại Việt Nam. Xe lắp ráp trong nước càng khó cạnh tranh nếu các nhà sản xuất không tính đến việc cắt giảm chi phí để hạ giá thành, nâng cao chất lượng.
Gian nan tìm đường “lên đỉnh”
Hầu hết các chuyên gia cho rằng thị trường ô tô 2021 rất khó đoán định. Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia với việc phát sinh thêm chủng mới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát diện rộng nếu chúng ta chủ quan trong việc phòng, chống dịch. Chưa có biện pháp chế ngự dịch Covid, nền kinh tế chưa thể trở lại trạng thái bình thường. Doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu.
Thị trường ô tô 2021 rất khó đoán định.
Chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ không còn hiệu lực có thể làm giảm sức mua ô tô trong năm 2021. Nhưng đây không phải vấn đề đáng lo ngại. Điều mà các nhà sản quan tâm hiện nay là nguồn cung ứng linh kiện. Hiện tại, ngành ô tô Việt Nam nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Với tình hình hiện tại, các doanh nghiệp cần có kế hoạch dự phòng để không rơi vào trạng thái bị động.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự cố gắng, nỗ lực vẫn tạo ra những chuyển biến tích cực. Sự thành công của VinFast trong năm 2020 cũng đến từ chiến lược bài bản, sản phẩm chất lượng và chính sách ưu đãi, hậu mãi “hơn người”. Thế nên, năm 2021 vẫn tạo cơ hội bứt phá cho các hãng xe ô tô nếu có chiến lược đúng đắn, quyết liệt cạnh tranh và có sản phẩm tốt.
Ngay từ đầu năm, các hãng xe tiếp tục làm mới đội hình sản phẩm. Hàng loạt mẫu xe ô tô mới, phiên bản mới đổ bộ thị trường năm nay như: Toyota Vios 2021, Ford Territory, Kia Telluride, Kia Sonet, Nissan Sunny và X-Trail 2021,… Dự đoán, những “tân binh” này sẽ làm ấm thị trường.
Theo oto.com.vn