
Các chuyên gia đào tạo lái xe an toàn cho biết, tình trạng mệt mỏi, đau nhức cơ thể sau những chuyến đi đường dài phụ thuộc nhiều vào tư thế lái xe và cách xử lý tình huống khi lái xe.
1. Không duỗi thẳng tay khi cầm bánh lái
Nhiều người thường có thói quen điều chỉnh ghế ngồi khá xa vô lăng vì muốn có được khoảng cách chân thoải mái suốt đoạn đường dài. Tuy nhiên, khoảng cách ghế quá xa sẽ khiến tay cầm bánh lái quá căng, gây khó khăn trong việc phản ứng đánh lái nhanh khi gặp chướng ngại vật hay trong những tình huống khẩn cấp. Tài xế cần chắc chắn tay cầm bánh lái phải có độ cong khoảng 120 độ. Để kiểm tra, tài xế có thể đặt tay lên điểm cao nhất của vô lăng, nếu vẫn thấy thoải mái trong khi lưng không rời thân ghế là tư thế ngồi đúng.
2. Khoảng cách chân hợp lý, không duỗi thẳng
Chuyên gia nhấn mạnh, khoảng cách giữa bàn chân đạp phanh và đầu gối phải có độ cong nhất định để tạo tư thế cân bằng, chắc chắn khi phanh gấp trong tình huống khẩn cấp. Cụ thể, khi nhả bàn đạp phanh, độ cong của gối gập nên là 120 độ trong khi phần lưng và mông vẫn vuông góc, tì vào thân ghế.
3. Không để cột vô lăng che bảng đồng hồ
Chiều cao vô lăng nên điều chỉnh ở vị trí người lái có thể quan sát được bảng đồng hồ rõ nhất. Khi tay cầm vô lăng, tay phải thấp hơn vai. Góc cầm vô lăng nên vào khoảng 3-9h. Góc cầm này sẽ giúp người lái dễ vận hành xe ở bất kỳ tình huống nào như: đi thẳng, rẽ phải hoặc trái, thậm chí ngay cả trong trường hợp phanh gấp hoặc cần phải tăng tốc.
Tasottivietnam.vn